Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà đều rộn ràng chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đây cũng chính là phương tiện để họ gửi gắm những ước muốn tốt đẹp cho năm mới. Tuy nhiên, mỗi vùng trên mảnh đất Việt Nam lại trưng bày món ăn trên mâm cỗ khác nhau. Hôm nay, hãy cùng Quang Huy khám phá ý nghĩa các món ăn ngày Tết truyền thống nhé!
Ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết 3 miền Bắc – Trung – Nam
Mâm cỗ ngày Tết là một trong nét văn hóa độc đáo và lâu đời của người Việt nam. Tết cổ truyền tượng trưng cho khởi đầu một năm mới, với mong muốn cuộc sống ấm no hạnh phúc. Dù hoàn cảnh như thế nào, mọi người vẫn cố gắng sắm sửa mâm cỗ Tết đầy đủ để tưởng nhớ đến ông bà, Tổ tiên. Cầu mong Tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe dồi dào, học hành giỏi giang, gia đình sung túc, làm ăn phát tài phát lộc.
Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc
Với người dân miền Bắc, mâm cỗ Tết gồm có 4 bát, 4 đĩa làm chủ đạo tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Mâm cỗ lớn thì có 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa mang ý nghĩa cho phát lộc, phát tài. Những mâm cỗ lớn phải xếp chồng cao đến 2 – 3 tầng. Mâm cỗ Tết xưa thường được bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, song hành với chén chiết yêu và đĩa cây mai truyền thống.
Mâm cỗ ngày Tết miền Nam
Những món ăn ngày Tết của người miền Nam rất phong phú và đa dạng. Bởi thời tiết ưu đãi cho nhiều thức quà ngon. Có thể kể đến một số món ăn đặc trưng như: Nem, bì, lòng heo khìa, giò heo, lạp xưởng, gỏi, … Cùng với đó là mâm ngũ quả, món gỏi gà luộc xé phay và củ hành, kiệu. Chúng mang một ý nghĩa cho một năm mới sung túc, đầy, đặc biệt được thể hiện qua mâm ngũ quả cầu – dừa – đủ – xoài.
Mâm cỗ ngày tết miền Trung
Với người dân miền Trung khi Tết về, trên mâm cỗ thường không thể thiếu bánh tét, nem chua, thịt giấm. Riêng người Huế thì còn phải có đĩa giò lụa, đĩa thịt đông, đĩa gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, … Vừa hội tụ những đặc sản địa phương, vừa mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Ý nghĩa các món ăn ngày Tết đậm chất hương vị cổ truyền
Với thông tin chung về mâm cỗ ngày Tết kể trên, sau đây mới các bạn cùng khám phá từng món ăn cụ thể.
Bánh chưng xanh – Biết ơn cha ông
Bánh chưng là linh hồn của ngày Tết Việt. Đây cũng là món ăn có lịch sử lâu đời trong nền ẩm thực nước ta. Những chiếc bánh vuông vức, được gói khéo léo không chỉ tượng trưng cho trời đất mà còn thể hiện lòng thành của con cháu dâng lên tổ tiên. Ở miền Bắc, cứ mỗi dịp tháng Chạp, các gia đình lại quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp, cùng kể cho nhau nghe những dự định tương lai và câu chuyện năm mới.
Thịt đông – Trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt lành
Thịt đông là món ăn rất quan trọng trong mâm cơm của người miền Bắc mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Sự hòa quyện của từng nguyên liệu trong món thịt đông thể hiện sự hòa hợp, gắn kết, yêu thương bền chặt của các thành viên gia đình. Không những vậy, màu sắc trong trẻo của món ăn còn biểu tượng cho hy vọng một năm mới may mắn, thuận lợi sẽ đến.
Thịt đông được chế biến từ chân giò lợn, tai heo hoặc thịt gà. Khi ăn, bạn cảm nhận được độ ngậy và cảm giác man mát ngon miệng. Tuy nhiên, vì có chứa nhiều chất béo và chất đạm nên ăn nhiều, bạn sẽ dễ bị khó tiêu, tăng cân. Khi ăn, tốt nhất bạn nên ăn kèm với dưa hành hoặc rau xanh để cơ thể tiêu hóa một cách dễ dàng.
Thịt gà luộc – No ấm, an khang
Thịt gà là một trong những món ăn không thể thiếu được trong các mâm cỗ cúng Tết. Thông thường, gà luộc để nguyên con. Sau khi cúng, thịt gà được chặt nhỏ, chấm với muối tiêu, lá chanh. Nhiều người tin rằng, gà luộc sẽ tượng trưng cho sự ấm no, an khang và mong muốn một năm mới đủ đầy.
Không những vậy, đây còn là món ăn tốt cho sức khỏe trong dịp Tết. Bởi trong thịt gà có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như albumin, chất béo, vitamin, canxi, phốt pho, sắt. Hơn nữa, hàm lượng protein và phức hợp của amino axit có trong thịt gà còn ảnh hưởng tích cực đến não bộ. Kích thích phấn chấn tinh thần, giảm sự lo lắng, căng thẳng, cải thiện huyết áp và nhịp tim.
Giò chả – Phúc lộc đầy nhà
Theo quan niệm dân gian, giò chả tượng trưng cho sự phú quý, sang trọng, cho phúc lộc vào nhà. Vì vậy, không biết tự bao giờ, món ăn này được chọn để khởi đầu cho một năm mới. Giò chả thường ăn kèm chung với dưa hành, chấm nước mắm. Chắc chắn đây sẽ là món ăn được nhiều người mong chờ vào ngày Tết.
Tré – gia đình thuận hòa
Trước kia, tré là món ăn chỉ dành cho các bậc vua chúa, vương giả. Nhưng hiện nay, nó đã trở thành món ăn ngày Tết xuất hiện trong mâm cơm của người miền Trung. Tré được làm từ tai, mũi heo, thịt ba chỉ ram vàng thái thành sợi nhỏ. Kết hợp cùng với củ riềng, tỏi, thính và lá ổi. Tất cả tạo thành món ăn hấp dẫn và độc đáo trong dịp Tết.
Măng khô kho – Vạn sự tốt lành
Măng khô kho là món ăn ngày Tết truyền thống của người miền Trung. Vị măng quyện cùng vị béo ngậy của thịt làm những ai từng thử không thể nào quên được. Để chế biến, người dân ngâm nước măng khô cho mềm, xé nhỏ. Còn thịt heo chọn loại ngon, xào săn lại và cho vào nồi kho với măng. Khi ăn, bạn có thể cuốn ăn cùng với bánh tráng, rau sống và chấm nước măng kho.
Thịt kho tàu – Sum vầy ấm cúng
Nếu ở miền Bắc có món thịt đông thì ở Nam bộ lại có món thịt kho tàu. Với vị đậm đà, màu sắc bắt mắt, món ăn này tượng trưng cho sự ấm cúng, sum vầy. Sự hòa hợp của các nguyên liệu cũng thể hiện sự yên vui, hòa thuận trong gia đình. Người miền Nam còn vận dụng linh hoạt nguyên lý hài hòa âm dương, thể hiện qua trứng vịt tròn tượng trưng cho dương, khối thịt vuông tượng trưng cho âm.
Củ kiệu – Tiền bạc đầy nhà
Củ kiệu ngâm là món ăn ngày không thể thiếu trong mâm cỗ người Việt. Bởi nó được coi là tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa, phú quý vào năm mới.
Mặt khác, theo nguyên lý ngũ hành, món thịt kho trứng có vị mặn ứng với hành Thủy, còn củ kiệu ngâm có vị chua, ứng với hành Mộc. Ăn hai món này kết hợp với nhau tạo nên sự hài hòa. Thậm chí khi ăn không quá mặn, không quá ngấy, lại chẳng quá chua, đúng với quy luật ngũ hành Thủy và Mộc là hai nguyên tố bổ trợ nhau.
Khổ qua nhồi thịt – Muộn phiền tiêu tan
Canh khổ qua cũng là một món ăn dịp Tết cổ truyền với vị ngọt đậm đà của thịt hầm cùng nước súp điểm xuyết vị đắng của khổ qua. Ngoài ra, ăn khổ qua nhồi thịt ngày đầu năm cũng là một cách chơi chữ của người Nam bộ. Với ước mong mọi khó khăn, khổ ải của năm cũ sẽ qua đi để năm mới tốt đẹp hơn.
Hiểu hết ý nghĩa các món ăn ngày Tết, bạn sẽ có thêm kiến thức để cùng cả nhà đón một năm mới đủ đầy, sung túc! Chúc bạn và gia đình đón Tết đoàn viên, hạnh phúc, tràn ngập niềm vui!